Thời kỳ đầu lãnh đạo (1946-65) Enver Hoxha

Hoxha tuyên bố mình là người Marxist-Leninist và rất thán phục nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Trong giai đoạn 1945–1950, chính phủ Albania đã thông qua các chính sách nhằm củng cố quyền lực. Luật cải cách ruộng đất đã được thông qua vào tháng 8 năm 1945. Theo luật này, chính phủ sẽ tịch thu đất đai của các bey và các địa chủ lớn mà không bồi thường và trao lại nó cho nông dân. 52% toàn bộ đất đai tại Albania do các địa chủ lớn sở hữu trước khi thông quan luật; con số này giảm xuống còn 16% sau khi thông qua luật.[20] Về tỷ lệ mù chữ, con số 90–95% tại các vùng nông thôn vào năm 1939 đã giảm xuống còn 30% vào năm 1950 và đến năm 1985 thì con số này đã ngang bằng với các nước phương Tây.[21]

Đại học Nhà nước Tirana được thành lập vào năm 1957, đây là trường đại học đầu tiên ở Albania. Các Gjakmarrja (mối thù máu) từ thời Trung Cổ bị cấm. Sốt rét là bệnh phổ biến nhất tại Albania,[22] song chính phủ cộng sản đã thành công trong cuộc chiến nhằm chăm sóc sức khỏe của người dân, họ đã sử dụng DDT, và tiêu thoát các bãi lầy. Năm 1985, không còn thấy một trường hợp nào bị sốt rét trong khi hai mươi năm trước thì Albania là nước có số người mắc bệnh này nhiều nhất tại châu Âu.[23] Cũng không ghi nhận trường hợp nào bị bệnh giang mai trong 30 năm.[23] Đối với sự phân chia Gheg-Tosk, các sách được biết bằng phương ngữ Tosk, và phần lớn đảng viên đến từ miền nam Albania, tức nơi nói phương ngữ Tosk.

Năm 1949, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Anh đã làm việc với vua Zog và các cận vệ của ông ta. Họ tuyển dụng những người Albania tị nạn và di cư từ Ai Cập, Ý, Hy Lạp, huấn luyện họ tại Síp, MaltaTây Đức, và đưa họ thâm nhập vào Albania. Các đơn vị du kích tiến vào Albania vào năm 1950 và 1952, song họ đã bị lực lượng an ninh Albania giết chết hoặc bắt giữ. Kim Philby, một gián điệp hai mang Liên Xô đã đóng vai trò là nhân viên liên lạc giữa cơ quan tình báo Anh và cơ quan tình báo TW Hoa Kỳ, đã để lộ chi tiết của kế hoạch xâm nhập đến Moskva, và làm nguy hại đến mạng sống của khoảng 300 người xâm nhập.[24]

Quan hệ với Nam Tư

Tại thời điểm này, mối quan hệ giữa Nam Tư và Albania đã bắt đầu thay đổi. Gốc rễ của việc thay đổi này bắt đầu vào ngày 20 tháng 10 năm 1944 trong phiên họp toàn thể lần thứ hai của Đảng Cộng sản Albania. Phiên họp đề cập đến các vấn đề mà chính phủ Albania mới sẽ phải đối mặt sau khi đất nước độc lập. Tuy nhiên, phái đoàn Nam Tư do Velimir Stoinić dẫn đầu đã cáo buộc ĐCS Albania là "chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa cơ hội" và đổ tội Hoxha về các lỗi lầm này. Ông ta cũng nhấn mạnh quan điểm rằng du kích cộng sản Nam Tư là tổ chức dẫn đầu phong trào du kích Albania.[25]

Các thành viên chống Nam Tư trong Đảng Cộng sản Albania bắt đầu nghĩ rằng đây là một âm mưu của Tito nhằm gây bất ổn cho Đảng. Koçi Xoxe, Sejfulla Malëshova và những người ủng hộ Nam Tư khác bị nghi ngờ sâu sắc. Quan điểm của Tito đối với Albania là nước này quá yếu để có thể đứng riêng và tốt hơn là trở thành một phần của Nam Tư. Hoxha cáo buộc rằng Tito làm vậy để nhằm đưa Albania vào thành phần Nam Tư, đầu tiên là lập ra Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Hỗ trợ lẫn nhau vào năm 1946. Trong thời gian đó, Albania bắt đầu cảm thấy rằng hiệp ước đã nghiêng về phía lợi ích của Nam Tư, giống như các thỏa thuận giữa Ý và Albania dưới thời vua Zog, khiến đất nước phụ thuộc vào Ý.[25]

Vấn đề đầu tiên là đồng lek Albania được định giá lại theo đồng dinar Nam Tư khi một liên minh thuế quan được hình thành và kế hoạch kinh tế của Albania được Nam Tư quyết định.[26] Các nhà kinh tế học Albania là H. Banja và V. Toçi đã nói rằng mối quan hệ giữa Albania và Nam Tư trong giai đoạn này mang tính bóc lột và rằng nó được Nam Tư nỗ lực tạo ra nhằm biến kinh tế Albania trở thành một "phần phụ thuộc" của kinh tế Nam Tư.[27]

Joseph Stalin đã gửi lời khuyên cho Hoxha và phát biểu rằng Nam Tư đang cố gắng để sáp nhập Albania. "Chúng tôi đã không biết rằng người Nam Tư, dưới cái cớ 'bảo vệ' đất nước của các bạn chống lại một cuộc tấn công từ những kẻ phát xít Hy Lạp, lại muốn đưa các đơn vị trong quân đội của họ đến Cộng hòa Nhân dân Albania. Họ đã cố gắng để làm điều này một cách rất bí mật. Trong thực tế, mục đích của họ trên phương diện này là hoàn toàn thù địch, vì họ có ý định đảo lộn tình hình ở Albania."[28] Tháng 6 năm 1947, Ủy ban TW của Nam Tư bắt đầu công khai lên án Hoxha, cáo buộc ông đã biểu lộ tinh thần chủ nghĩa cá nhân và chống Marxist. Khi Albania đáp trả bằng việc thiết lập các thỏa thuận với Liên Xô để mua máy móc nông nghiệp, Nam Tư đã nói rằng Albania không thể tham gia vào bất kỳ thỏa thuận nào với các nước khác mà không có sự tán thành của Nam Tư.[29]

Koçi Xoxe đã cố gắng ngăn Hoxha cải thiện quan hệ với Bulgaria, lập luận rằng Albania sẽ ổn định hơn khi có một đối tác thương mại thay vì nhiều đối tác. Nako Spiru, một thành viên chống Nam Tư trong Đảng, thì lại lên án Xoxe. Do không ai bênh vực lời của Spiru, ông ta cho rằng tình hình đã trở nên vô vọng và sợ rằng sự thống trị của Nam Tư đối với đất nước mình sắp xảy đến, vì thế ông ta đã tự vẫn vào tháng 11.[29]

Tại Hội nghị lần thứ 8 của Ủy ban Trương ương Đảng, kéo dài từ 26 tháng 2 – 8 tháng 3 năm 1948, Xoxe đã dính líu đến một âm mưu nhằm cô lập Hoxha và củng cố sức mạnh của mình [Xoxe]. Ông ta đã cáo buộc Hoxha phải chịu trách nhiệm cho tình trạng suy sụy trong quan hệ với Nam Tư, và nói rằng nên trục xuất một phái đoàn quân sự Liên Xô để tỏ thiện ý với Nam Tư. Hoxha đã điều hành thế sự để giữ vững vị thế của mình. Khi Nam Tư công khai tuyệt giao với Liên Xô, cơ sở ủng hộ của Hoxha đã trở nên mạnh hơn. Sau đó, vào ngày 1 tháng 7 năm 1948, Tirana đã lệnh cho tất cả các cố vấn kỹ thuật Nam Tư rời khỏi Albania và đơn phương tuyên bố rằng tất cả các hiệp định và thỏa thuận giữ hai nước là vô hiệu và không có giá trị. Xoxe bị trục xuất ra khỏi đảng vào ngày 13 tháng 6 năm 1949, ông ta đã bị một đội bắn xử tử.[30]

Quan hệ với Liên Xô

Sau khi tuyệt giao với Nam Tư, Hoxha tự gắn kết Albania với Liên Xô, nước mà ông hết sức khâm phục. Trong giai đoạn 1948–1960, 200 triệu Đô la Mỹ viện trợ của Liên Xô đã được trao cho Albania để mở rộng công nghệ và cơ sở hạ tầng. Ngày 22 tháng 2 năm 1949, Albania đã được tiếp nhận vào Comecon và Albania trở thành một quân cờ để Liên Xô gây sức ép lên Nam Tư và cũng đóng vai trò là một thế lực thân Xô tại biển Adriatic. Một căn cứ tàu ngầm đã được xây dựng trên đảo Sazan gần Vlorë, đặt ra một mối đe dọa đối với Hạm đội 6 của Hoa Kỳ. Mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục duy trì sự gần gũi cho đến cái chết của Stalin vào ngày 5 tháng 3 năm 1953. Albania đã tổ chức quốc tang nhằm tưởng nhớ Stalin. Hoxha tập hợp toàn bộ dân chúng tại quảng trường lớn nhất ở thủ đô, yêu cầu họ quỳ, và bắt họ thực hiện lời tuyên thệ hai nghìn từ với nội dung "trung thành vĩnh viễn" và "lòng biết ơn" với "người cha thân yêu" và "nhà giải phóng vĩ đại", đến người mà người dân nợ "mọi thứ."[31]

Dưới thời Nikita Khrushchev, người kế nhiệm Stalin, viện trợ bị cắt giảm và Albania được khuyến khích áp dụng chính sách chuyên môn hóa của Khrushchev. Dưới chính sách này, Albania sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp để cung cấp cho Liên Xô và các nước khác trong khối Warszawa trong khi các nước này sẽ phát triển các ngành sản xuất đặc trưng của họ, mà về lý thuyết sẽ tăng cường khối Warszawa bằng cách giúp giảm thiếu sự thiếu hụt một số nguồn tài nguyên mà nhiều nước trong khối phải đối mặt. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa rằng phát triển công nghiệp của Albania, lĩnh vực đã được Hoxha đặc biệt nhấn mạnh, sẽ bị suy giảm đáng kể.[32]

Biểu tượng của Đảng Lao động Albania.

Từ 16 tháng 5 – 17 tháng 6 năm 1955, Nikolai BulganinAnastas Mikoyan đã đến thăm Nam Tư và Khrushchev từ bỏ việc trục xuất Nam Tư ra khỏi khối Cộng sản. Khrushchev cũng bắt đầu tham khảo học thuyết nhiều trung tâm của Palmiro Togliatti. Hoxha đã không được hỏi ý kiến về điều này và cảm thấy bị xúc phạm. Nam Tư bắt đầu yêu cầu Hoxha phục hồi hình ảnh cho Koçi Xoxe, song Hoxha kiên quyết từ chối. Năm 1956, trong Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, Khrushchev đã lên án tệ sùng bái cá nhân được xây dựng quanh Joseph Stalin và cũng buộc tội Stalin đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng. Khrushchev sau đó công bố thuyết về chung sống hòa bình, điều này đã khiến Hoxha rất giận dữ. Viện Nghiên cứu Marxist-Leninist, do phu nhân Nexhmije của Hoxha lãnh đạo, đã dẫn lời Vladimir Lenin: "Các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của một quốc gia xã bội chủ nghĩa và của một đảng cộng sản là chủ nghĩa quốc tế vô sản; không phải chung sống hòa bình."[33] Hoxha nay hoạt động tích cực hơn trên lập trường chống Xét lại.

Sự thống nhất bên trong Đảng Lao động Albania cũng bắt đầu suy giảm, với một hội nghị đại biểu đặc biệt được tổ chức tại Tirana vào tháng 4 năm 1956, bao gồm 450 đại biểu và có kết quả bất ngờ. Các đại biểu "chỉ trích tình trạng trong đảng, thái độ tiêu cực đối với quần chúng, sự vắng mặt của dân chủ trong đảng và dân chủ xã hội chủ nghĩa, chính sách kinh tế của lãnh đạo." trong khi cũng kêu gọi thảo luận về tệ sùng bái cá nhân và Đại hội Đảng lần thứ 20 [của Liên Xô].[34]

Hướng đến Trung Quốc và chủ nghĩa Mao

Hoxha đã kêu gọi về nghị quyết mà theo đó ủng hộ người lãnh đạo hiện tại của Đảng. Nghị quyết được chấp thuận, và toàn bộ các đại biểu từng lên tiếng đều bị trục xuất khỏi đảng và bị cầm tù. Hoxha đã nói rằng đây là một trong nhiều nỗ lực nhằm lật đổ người lãnh đạo của Albania do Nam Tư tổ chức. Sự cố này tiếp tục củng cố quyền lực của Hoxha, khiến cho việc thực hiện cải cách theo kiểu Khrushchev gần như không thể xảy ra. Trong cùng năm đó, Hoxha đến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và gặp gỡ Mao Trạch Đông. Mối quan hệ giữa Albania với Trung Quốc được cải thiện, bằng chứng là viện trợ của Trung Quốc cho Albania chiếm 4,2% vào năm 1955, và tăng lên 21,6% vào năm 1957.[35]

Trong một nỗ lực để giữ Albania trong tầm ảnh hưởng của mình, Liên Xô đã tăng viện trợ song lãnh đạo Albania vẫn tiếp tục tiến gần hơn đến Trung Quốc. Mối quan hệ với Liên Xô vẫn duy trì mức độ như trước đó cho đến năm 1960, khi Khrushchev gặp Sophocles Venizelos, một chính trị gia cánh tả Hy Lạp. Khrushchev tỏ ra thông cảm với ý tưởng về một vùng Bắc Epirus tự trị của người Hy Lạp và hy vọng sử dụng các tuyên bố của Hy Lạp để khiến cho giới lãnh đạo Albania hành động phù hợp với lợi ích của Liên Xô.[36]

Xích mích với Liên Xô

Quan hệ với Liên Xô bắt đầu xuống dốc nhanh chóng. Một chính sách cứng rắn đã được áp dụng và Liên Xô đã cắt giảm các chuyến hàng viện trợ, đặc biệt là ngũ cốc, vào lúc Albania cần chúng để ứng phó với nạn đói do lũ lụt. Tháng 7 năm 1960, một âm mưu nhằm lật đổ chính phủ đã được phát hiện. Âm mưu này do một Thiếu tướng hải quân được đào tạo tại Liên Xô là Teme Sejko tổ chức. Sau đó, hai thành viên thân Liên Xô trong Đảng là Liri Belishova và Koço Tashko đề bị trục xuất, với một sự cố hài hước liên quan đến việc phát âm tên Tashko thành (tiếng Nga của "chấm hết").[37]

Vào tháng 8, Ủy ban Trung ương Đảng Albania đã gửi một bức thư phản đối cho Ủy ban Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô, nêu rõ sự không hài lòng của việc có một Đại sứ Liên Xô chống Albania tại Tirana. Đại hội IV của Đảng Lao động Albania được tổ chức từ ngày 13–20 tháng 2 năm 1961 là cuộc họp cuối cùng mà đại biểu của Liên Xô và các nước Đông Âu khác có thể tham dự tại Albania. Trong đại hội, Liên Xô đã bị lên án trong khi Trung Quốc thì được tán dương. Mehmet Shehu nói rằng trong khi nhiều thành viên trong Đảng đã bị cáo buộc chuyên quyền, đây là một lời buộc tội vô căn cứ và không giống như Liên Xô, Albania là nước Marxist chính cống.

Liên Xô trả đũa bằng cách đe dọa sẽ có "hậu quả tàn khốc" nếu những lời lên án không được rút lại. Những ngày sau đó, Khrushchev và Antonín Novotný, Chủ tịch của Tiệp Khắc (là nguồn viện trợ lớn nhất cho Albania sau Liên Xô) đã đe dọa cắt viện trợ kinh tế. Trong tháng 3, Albania không được mời tham dự cuộc họp của các nước khối Warszawa (trong khi Albania là một trong các thành viên sáng lập năm 1955) và đến tháng 4, tất cả các kỹ thuật viên Liên Xô đã rút khỏi Albania. Trong tháng 5, gần như toàn bộ quân Liên Xô tại căn cứ trên biển Oricum đã rút lui, để lại cho người Albania 4 tàu ngầm và các thiết bị quân sự khác.

Ngày 7 tháng 11 năm 1961, Hoxha có một bài phát biểu mà trong đó ông gọi Khrushchev là một "kẻ xét lại, một kẻ chống Marxist và một kẻ chủ bại." Hoxha miêu tả Stalin là nhà lãnh đạo cộng sản cuối cùng của Liên Xô và bắt đầu nhấn mạnh tính độc lập của Albania.[38] Ngày 11 tháng 11, Liên Xô và tất cả các nước trong khối Warszawa khác đều tuyệt giao quan hệ với Albania. Albania không chính thức bị loại trừ (với việc không được mời) khỏi khối WarszawaComecon. Liên Xô cũng cố gắng để tuyên bố có quyền kiểm soát cảng Vlorë dựa trên một hợp đồng cho thuê; Đảng Lao động Albania sau đó đã thông qua một luật cấm bất kỳ quốc gia nào khác sở hữu cảng của Albania thông qua cho thuê hay dưới hình thức khác.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Enver Hoxha http://books.google.ca/books?id=67Hoe3h5XqsC&dq=al... http://books.google.ca/books?id=OxcZU0ZX61UC&pg=PA... http://archive.250x.com/hoxha.html http://www.albanian.com/main/history/hoxha.html http://www.gadling.com/2008/06/26/letter-from-alba... http://books.google.com/books?id=E0U104S4msoC&prin... http://books.google.com/books?id=wGA4o-UhAfgC&pg=P... http://www.lilianahoxha.com/ http://www.nature.com/ejhg/journal/v8/n7/pdf/52004... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9E0...